Search
en

Người truyền lửa và những câu chuyện xoay quanh trái bóng tròn tại TLE

truyen-lua-1

Tập Đoàn Thang Máy Thiết Bị Thăng Long (TLE)  được biết đến không chỉ là một nhà cung cấp và lắp đặt thang máy hàng đầu Việt Nam, mà còn bởi phong trào đá bóng phát triển hết sức mạnh mẽ. Để tìm hiểu về quá trình phát triển của đội bóng đá TLE, tôi đã tìm gặp ông Lê Minh Hùng –  Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập Đoàn và đồng thời cũng là một cầu thủ trong đội bóng từ những ngày đầu mới thành lập đến nay. Sau nhiều lần hẹn không thành công, cuối cùng tôi cũng gặp được ông để nghe ông kể những câu chuyện thú vị về  chặng đường hình thành và phát triển của đội bóng đá TLE trong một quán cà phê trên phố Hào Nam.

Một lần rớt xuống ao

Đây có lẽ là câu chuyện “thâm cung bí sử” nhất mà nếu không được nghe ông kể thì tôi cũng không thể tưởng tượng ra.

Đó là những ngày đầu mới thành lập Công ty, ngày đó không có sân thi đấu, các thành viên của đội phải tận dụng mọi khoảng không có thể để thi đấu từ đường phố, tới những bãi đất trống ở sau nhà. Tuy nhiên, sân bóng khiến ông nhớ nhất vào thời điểm đó là sân 365 trên đường Hoàng Ngân. Xung quanh sân bóng là doanh trại quân đội, và họ có nuôi lợn để cải thiện. Trên sân, cỏ cao đến tận đầu gối, xung quanh là ao hồ với đầy bèo dâu tây và phân lợn rất bẩn thỉu. Ngày hôm đó, chỉ có ông và Phó Tổng Giám Đốc Phan Ngọc Biên ra sân luyện. Hai người tập chuyền bóng qua lại cho nhau, sau đó cũng có vài người ra đá cùng. Khi mọi người đang tập luyện, bất ngờ bóng rơi xuống ao. Không ai trong những người có mặt trên sân dám bơi ra để lấy bóng vì ao quá bẩn. Lúc đó, ông thấy có một chiếc thuyền nhỏ mà người ta thường dùng để vớt bèo. Vậy là ba người phải giữ thuyền để ông trèo lên bơi ra vớt bóng. Chiếc thuyền rất chòng chành nhưng cuối cùng ông cũng vớt được trái bóng và ném lên bờ. Tuy nhiên, mấy người kia khi đã nhặt được bóng liền bỏ đi để lại ông trên thuyền, trên bờ chỉ còn người đồng đội Phan Ngọc Biên của ông. Chiếc thuyền vẫn bơi được vào bờ, tuy nhiên do không có người giữ nên khi ông đang bước lên thì chiếc thuyền đã lật úp. Ông rớt xuống ao, rất may là nước chỉ ngập đến ngực nên ông vẫn bước được lên bờ vớt sự hỗ trợ của đồng đội. Tuy nhiên, trên người ông lúc này đầy phân lợn và bèo.

Kỷ niệm những sân bóng

Theo thời gian, số lượng các thành viên trong Công ty tham gia luyện tập đã đông hơn, tuy nhiên vẫn chưa đủ để tạo thành một đội bóng với toàn bộ các cầu thủ đều là nhân viên trong công ty. Vì vậy, ông phải mời thêm một số cầu thủ ở bên ngoài tham gia thi đấu cùng. Và cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần là các cầu thủ lại xỏ giày ra sân giao lưu tại các sân bóng khắp Hà Nội. Một trong những sân bóng để lại kỷ niệm với ông là sân Thạch Bàn Gia Lâm, khi đội bóng giao lưu với câu lạc bộ Thạch Bàn ở đó. Hôm đó là một ngày mưa, xung quanh sân đấu xếp đầy than đá để nung gạch. Chính vì vậy, khi thi đấu xong các cầu thủ đều đen xì như vừa chui ra từ mỏ than. Rồi những lần đá bóng ở sân Phú Thượng, mà đội mất đến ba quả bóng vì rơi xuống sông Hồng bị nước cuốn đi mất. Ông tiếp tục kể về những sân bóng mà đội đã thi đấu trong khoảng thời gian đó, từ sân Thượng Đình, Đại học Thủy Lợi, Đại học Ngoại ngữ, Sư Phạm đến sân Long Biên, sân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Nội Bài. Cuối cùng, ông dừng lại khi kể về những lần thi đấu ở sân Phòng không không quân. Ngày đó, phải đá vào buổi sáng vì buổi chiều không có sân. Ông cho biết là trước mỗi trận đấu ông đều mất ngủ vì hồi hộp chờ đợi. 8 giờ sáng thi đấu thì 7 giờ anh em đã có mặt ở sân, gặm tạm chiếc bánh mỳ trong lúc chờ thi đấu. Ngày đó, kinh nghiệm thi đấu của ông còn ít nên nhiều khi không tránh được những cú va chạm mạnh với cầu thủ đối phương. Điều đó nhiều khi làm các cầu thủ trên sân lo lắng vì lúc đó ông đã hơn 40 tuổi. Nhưng với một người đam mê bóng đá như ông, những khó khăn đó không thể ngăn cản ông tiếp tục duy trì đội bóng hướng về phía trước.

truyen-lua-2

Đội bóng đá thi đấu tại sân Phòng Không Không Quân năm 2003

 

Giải bóng đá đầu tiên của TLE

Đến năm 2004, khi số lượng nhân sự đã tương đối đầy đủ thì đội bóng đã không còn cảnh phải rong ruổi thi đấu ở các sân bóng khắp Hà Nội nữa mà  chuyển sang thi đấu cố định tại sân bóng Vạn Phúc. Mặc dù chỉ thi đấu trên mặt sân đất, nơi mà những ngày nắng bụi bay mù mịt khắp sân, nhưng ông và các cầu thủ vẫn tiếp tục duy trì niềm đam mê của mình. Và đến năm 2006, giải bóng đá đầu tiên của công ty đã được tổ chức. Giải năm đó chỉ có 3 đội bóng, đá sân 7 người. 3 đội lần lượt đá với nhau trong một ngày để chọn ra đội vô địch. Mặc dù năm đó, đội bóng của ông không giành chức vô địch nhưng giải bóng đá được tổ chức chính là kết quả của niềm đam mê đã được ông duy trì và phát triển trong nhiều năm.

truyen-lua-3

Đội bóng thi đấu tại sân bóng đá Vạn Phúc năm 2004

truyen-lua-4

truyen-lua-5

truyen-lua-6

Ba đội bóng thi đấu tại giải bóng đá năm 2006

Cầu thủ ghi bàn thắng đầu tiên của giải bóng đá lần thứ 2 và giành chức vô địch

Khi chất lượng của đội bóng ngày càng nâng cao thì mặt sân đất đã không đáp ứng được yêu cầu. Năm 2007, ông đã quyết định cho đội bóng tập luyện tại sân Mỹ Đình và duy trì  từ đó đến nay. Và giải bóng đá lần thứ 2 diễn ra vào năm 2008 cũng được tổ chức tại đây. Với 6 đội bóng chia làm 2 bảng, quy mô của giải đấu đã lớn gấp đôi so với lần đầu tổ chức. Ở giải đấu năm đó, ông thi đấu cùng đội Khối Văn Phòng. Cái nắng oi ả của những ngày hè tháng 5 không ngăn cản được các cầu thủ cống hiến hết mình trong từng đường bóng. Chính vì sự máu lửa đó mà cứ mỗi trận đấu xong, cơ thể của ông lại rã rời. Nhưng cứ bước vào trận đấu tiếp theo là ông và các cầu thủ lại quyết tâm thi đấu hết mình. Quyết tâm đó của ông đã được đền đáp khi ông là cầu thủ ghi bàn thắng đầu tiên của giải từ một pha đánh đầu, và đội Khối văn phòng của ông đã xuất sắc nâng cao chiếc cúp vô địch.

truyen-lua-7

Đội bóng thi đấu tại sân Mỹ Đình năm 2007

truyen-lua-8

Các cầu thủ thi đấu hết mình tại Giải bóng đá năm 2008

truyen-lua-9

Đội Khối Văn Phòng giành chức vô địch Giải bóng đá 2008

Mùa giải thứ ba: Dẫn dắt đội bóng đội bóng VPĐD Hồ Chí Minh non trẻ

Sau thành công của giải bóng đá lần thứ 2, phong trào bóng đá trong công ty phát triển hết sức mạnh mẽ, ngoài đội bóng của công ty tập luyện trên sân 11, đội bóng của các phòng ban cũng dần được thành lập, một trong số đó là đội bóng của VPĐD Hồ Chí Minh. Và khi mùa giải lần thứ 3 khởi tranh, các chàng trai miền Nam đã lên đường ra Bắc để tranh tài cùng các đồng nghiệp ở Hà Nội. Họ cùng với bảy đội bóng thuộc các phòng ban ở Hà Nội đã bước vào một mùa giải đầy sôi động, hấp dẫn trong tiết trời thu Hà Nội. Với các cầu thủ đến từ VPĐD HCM thì đây là một kỷ niệm đáng nhớ. Trong lần đầu tiên tham gia giải bóng đá của công ty, họ đã được sát cánh cùng “người truyền lửa” của đội bóng. Tuy nhiên, dù rất quyết tâm thi đấu cùng việc có một thủ lĩnh tinh thần trên sân, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm thi đấu nên các cầu thủ của VPĐD và ông đã không thể làm nên điều bất ngờ. Mùa giải năm đó, đội bóng Khối Kinh Doanh với một tập thể đồng đều đã xuất sắc giành chức vô địch sau trận chung kết nghẹt thở với đội bóng phòng Bảo Hành Bảo Trì.

truyen-lua-10

Các cầu thủ đội VPĐD HCM thể hiện quyết tâm trước trận đấu

truyen-lua-11

Đội Khối Khối Kinh Doanh giành chức vô địch Giải bóng đá 2010

Phát triển các đội bóng phía Nam

Những năm sau đó, TLE chứng kiến sự thay đổi to lớn, Công ty chuyển thành Tập đoàn với các Công ty thành viên là Việt Phát Thăng Long và Thành Thắng Thăng Long, VPĐD HCM được phát triển thành Chi nhánh HCM. Cũng từ đó, ông thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày vào thành phố HCM và Bình Dương (nơi có nhà máy của công ty Thành Thắng Thăng Long). Trong những lần công tác này, ngoài công việc chuyên môn thì việc mà ông chú trọng nhất là phát triển đội bóng đá của Chi nhánh HCM và công ty Thành Thắng Thăng Long. Vậy là mỗi lần vào nam công tác, ông đều thi đấu với đội bóng của Chi nhánh HCM, hoặc tổ chức giao lưu giữa hai đội Chi nhánh HCM và Thành Thắng Thăng Long. Và thành quả đã đến với các đội bóng ở phía nam trong các lần tham dự giải bóng đá của Tập Đoàn sau đó. Giải bóng đá năm 2012, đội bóng của Chi nhánh HCM kết hợp với công ty Invetech đã xuất sắc giành chức vô địch. Giải bóng đá năm 2014, đội bóng Thành Thắng Thăng Long trong lần đầu tiên dự giải cũng đã giành giải 3. Đây là kết quả xứng đáng cho nỗ lực của ông và các cầu thủ trong việc xây dựng phong trào bóng đá của các đơn vị ở phía Nam. Đây không chỉ là niềm vui cho các cầu thủ trên bóng mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao cho các thành viên trong Chi nhánh HCM và công ty Thành Thắng Thăng Long, những cổ động viên nhiệt thành luôn hết mình cổ vũ cho đội bóng.

truyen-lua-12

Đội bóng CN.HCM giành chức vô địch Giải bóng đá 2012

truyen-lua-13 truyen-lua-14

Đội bóng Thành Thắng Thăng Long thi đấu tại giải bóng đá năm 2014 và giành huy chương đồng

Những thử thách phải vượt qua để duy trì ngọn lửa đam mê  

Trong suốt quá trình xây dựng đội bóng, ông đã gặp phải không ít thử thách để có thể tiếp tục duy trì và phát triển phong trào bóng đá của Tập Đoàn khắp 3 miền như ngày nay. Thử thách đầu tiên phải kể đến đó là vấn đề tuổi tác. Ở độ tuổi gần 60 như ông, không nhiều người có thể thi đấu được suốt 90 phút của trận đấu. Nhưng ông vẫn duy trì được việc đó hai lần một tuần. Bí quyết để có được thể lực dẻo dai như vậy đó là ngoài đam mê cháy bỏng với trái bóng cùng niềm lạc quan,  ông còn rất tích cực luyện tập để bổ trợ cho việc thi đấu. Trước những ngày thi đấu đá bóng, ông đều dành 45 phút đến một tiếng để tập gym. Chính nhờ thế, nên khi bước vào trận đấu, ông vẫn có thể thi đấu ngang ngửa với các cầu thủ trẻ ở trên sân.

Trong quá trình tập luyện và thi đấu, ngoài thử thách về tuổi tác, đã không ít lần ông phải vượt qua những chấn thương nặng nhẹ khác nhau để tiếp tục duy trì đội bóng đá. Đó là lần ông bị chảy máu khi va chạm với cầu thủ đối phương trong pha đánh đầu. Đến nay, vết thương đó vẫn để lại sẹo trên trán ông. Hay lần ông bị trật khớp tay trong khi thi đấu. Trong quãng thời gian nghỉ dưỡng thương, không lúc nào là ông ngừng khát khao trở lại sân có. Chính vì vậy, hàng ngày ông đều tích cực trị liệu, cố gắng vận động để có thể ra sân thi đấu. Và sau hai mươi ngày ông đã có thể tiếp tục thi đâu. Và lần gần nhất là ông phải nghỉ một tháng rưỡi do chấn thương dây chằng ở lưng. Tuy nhiên, bằng nỗ lực, quyết tâm, và lòng đam mê, ông đã trở lại sân bóng để tiếp tục giữ lửa cho phong trào bóng đá của Tập Đoàn.

Qua cuộc nói chuyện rất cởi mở với ông, tôi đã rằng vì sao tại TLE, phong trào bóng đá lại phát triển mạnh mẽ đến như thế, tất cả mọi thành viên, từ cầu thủ đến các cổ động viên đều hết mình trong các hoạt động liên quan đến bóng đá.

Xin chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục duy trì niềm đam mê và phong trào bóng đá của TLE tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa!

truyen-lua-15

(Tác giả: Huỳnh Bá Quân

Trích bài viết trong Tạp chí TLE15 phát hành tháng 5/2016)